Tìm hiểu hát bội với vở diễn Chiếc áo thiên nga

684
Tháng 06 này, hãy dành chút thời gian để tìm hiểu một trong những nghệ thuật cổ xưa của người Việt ngay tại Sài Gòn, nghệ thuật hát bội.
Vào lúc 8g30 ngày Chủ nhật (26/6/2022) Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật hát bội với vở diễn mới “CHIẾC ÁO THIÊN NGA” tại Sân trước Đền thờ Vua Hùng (khuôn viên Thảo Cầm Viên). Vào cửa tự do.
Đây là một vở diễn tái hiện lại chuyện tình đẫm nước mắt của Mị Châu – Trọng Thủy gắn với truyền thuyết về thành Cổ Loa. Vở diễn đã xuất sắc giành được huy chương Bạc tại “Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2022” được tổ chức tại tỉnh Nghệ An.
Hát bội
Một cảnh trong hát bội
Trước đó, Bảo tàng cũng đã nhiều lần tổ chức các buổi biểu diễn để mang hát bội đến với nhiều người hơn, có thể kể đến những trích đoạn như “Giang Đông phó hội”, “Lê Công xử án Huỳnh Công Lý”, “Oan án trung thần” v.v….

Đôi nét về nghệ thuật hát bội

Hát bội có từ khi nào?

Nghệ thuật Hát Bội có từ thời Trần (1226 – 1399), thịnh hành ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Bình Định. “Hát Bội” là lối hát có tám sân khấu đấu lưng nhau với các kép, nghệ sĩ tạo thành sân khấu tám mặt, hát chung một tuồng (vở) cùng lúc. Hướng Tây Bắc (thuộc cung Càn, tượng trưng cho Trời) dành cho vua, hoàng thân quốc thích và các quan đại thần thưởng lãm; các cửa sân khấu khác dành cho các hạng tuỳ tùng theo thứ bậc, phẩm hàm và cho thứ dân ai cũng được xem. “Bội” là gấp lên, nhân lên, để sân khấu trở thành tám tấm gương phản chiếu cuộc đời thực.

Ông tổ của nghề Hát Bội là Đào Duy Từ, người đặt nền móng cho các tuồng Hát Bội và tổ chức nhiều đoàn hát, đến nay vẫn lưu truyền. Đến cuối thế kỷ XVIII,  thêm cây đại thụ của làng Hát Bội là Đào Tấn, người lập ra Học bộ đình – trường dạy Hát Bội và biểu diễn Hát Bội tại làng Vinh Thạnh, chủ biên trên 40 vở Hát Bội.

Nội dung các tuồng hát bội

Các tuồng Hát Bội thường có nội dung răn dạy, giáo dục lễ nghĩa, cách đối nhân xử thế, ca ngợi cái tốt đẹp, cao cả và phê phán thói hư, tật xấu. Ca từ Hát Bội phản ánh tình cảm của con người, như: tình vua tôi, cha con, mẹ con và bạn hữu,… Hát Bội cũng được trình diễn trong các lễ hội, để cầu xin thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, gặp điều may mắn.

Lễ đại bội tại lễ cầu yên
Lễ đại bội tại lễ cầu yên

Trong nghệ thuật Hát Bội, có hai yếu tố cơ bản là hát và múa võ. Người hát sử dụng lối hát nhấn nhá, mang âm hưởng của tiếng địa phương, kết hợp rất hài hòa với các điệu múa võ cổ truyền Bình Định và được hỗ trợ bởi nhiều nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là trống. Bên cạnh đó, hầu hết các loại binh khí của võ cổ truyền Bình Định đều góp mặt trên sân khấu Hát Bội như song kiếm, song phủ, độc phủ, đao, thương, siêu côn… nên khả năng biểu hiện dạng thức chiến đấu của những cuộc giao tranh trong sử sách là trực tiếp, vô cùng sinh động. Vì thế, Hát Bội đòi hỏi người diễn phải biết võ nghệ và sử dụng thuần thục các loại binh khí để biến võ thuật đời thường thành những hành vi chiến đấu, giao tranh đầy tính nghệ thuật trên sân khấu.

Nghệ thuật trang điểm hát bội

Nghệ thuật trang điểm, trang trí cho các vai diễn của Hát Bội cũng mang yếu tố đặc sắc, tạo nên nét riêng cho từng nhân vật, mỗi khuôn mặt thể hiện một tính cách hết sức đặc trưng. Hát Bội có giá trị nghệ thuật cao với tiếng kèn, nhịp trống, điệu đàn cò… diễn tả các cung bậc tình cảm: vui, buồn, yêu, ghét, hờn giận, đau thương, ai oán…, lúc hùng tráng, lúc vui vẻ, khi lại đau đớn, bi thương… hóa cùng các điệu hát phách, lối… làm cho người xem cảm động, say mê.

Với những giá trị đặc sắc trên, Hát Bội Bình Định đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25 tháng 8 năm 2014.

Nguồn: http://dsvh.gov.vn/hat-boi-binh-dinh-1190

Chia sẻ